Giới thiệu
I. Làng Nghề ,Xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.
Đã một lần đến với Bắc Ninh, bạn không thể không bị cuốn hút bởi những làn điệu dân ca quan họ, những câu hát đối trao duyên của những bậc liền anh liền chị. Mang trong mình truyền thống văn hoá Kinh Bắc lâu đời, Bắc Ninh cũng là quê hương của những làng nghề thủ công truyền thống nổi tiếng như Tranh Đông Hồ, Đúc đồng Đại Bái ... và cũng chính trên mảnh đất này, Xuân Lai được biết đến là một làng nghề tre gia dụng hun khói duy nhất của Việt Nam.
Người dân Xuân Lai - Gia Bình luôn tự hào về nghề tre của mình. Không ai nhớ chính xác nghề đã có từ bao giờ, nhưng theo những cụ cao tuổi trong làng, nghề chắc phải có từ vài trăm năm trước vì khi họ lớn lên đã thấy cả làng làm thợ. Thời ấy, các cụ tự tay mày mò, sáng tạo để làm ra các đồ dùng chủ yếu để phục vụ sinh hoạt trong gia đình và dùng cho sản xuất nông nghiệp như: đan thúng, rổ, rá, làm chõng tre, giường, tràng kỷ... với nhiều nét hoa văn độc đáo.
Có lẽ, với truyền thống sản xuất đồ tre gia dụng lâu đời như vậy nên niềm đam mê nghề nghiệp đã thấm sâu vào tâm hồn của mỗi người thợ Xuân Lai. Thợ ở đây không có phường hội, không có khoán ước, không giữ bí mật. Mọi người học tập lẫn nhau, con nối nghiệp cha, đời này qua đời khác thành nghề cổ truyền bên cạnh nghề nông truyền thống. Trải qua biết bao những thăng trầm, nhiều lúc nghề sản xuất đồ tre gia dụng ở đây tưởng không thể tồn tại trước sự xuất hiện hàng loạt của các sản phẩm đồ gia dụng sản xuất công nghiệp bằng nhựa hay gỗ ép... Không chịu để nghề truyền thống bị mai một, những người thợ tâm huyết ở Xuân Lai đã ngày đêm mày mò nghiên cứu để đa dạng và nâng cao chất lượng các sản phẩm thuần chất tre của mình. Và sản phẩm tre hun khói với nhưng gam màu đen bóng tự nhiên đã ra đời đem lại những vẻ đẹp độc đáo trong trang trí nội thất, tôn vinh sắc đẹp tự nhiên, được người tiêu dùng hết sức ưa chuộng.
Để có được những sản phẩm hun khói đẹp là cả một kỳ công. Sau khi khai thác, tre trúc thường được ngâm dưới ao vài tháng để tránh mối mọt, đồng thời tăng độ dẻo dai. Trước khi được vớt lên, tre được nắn thẳng và xếp vào lò hun bằng rơm trộn đất sét. Lò chỉ có khói, không có lửa và được trát kín nhiều ngày đêm. Tuỳ thuộc vào màu sắc yêu cầu, thời gian hun được điều chỉnh phù hợp: nếu là màu nâu thời gian sẽ ngắn hơn trong khi màu đen bóng yêu cầu thời gian hun dài hơn và có thể phải hun nhiều lần hơn.
Tạo được màu sắc mong muốn đã khó, việc sử dụng nguyên liệu tre đã hun để tạo thành các vật dụng lại càng yêu cầu tính sáng tạo và sự khéo léo của người thợ Xuân Lai. Có biết bao các sản phẩm đã được tạo ra, từ các loại bàn, ghế, xích đu, giường, tủ, kệ sách báo... đến các loại bình phong, đèn, khay ... với các kiểu dáng và kích thước khác nhau. Tất cả đều được người thợ Xuân Lai làm một cách kỹ lưỡng tạo nên sự chắc chắn và vẫn giữ nguyên được vẻ đẹp mộc mạc của chất liệu tre hun, vẻ đẹp mang nét hoài cổ mà không đâu có được.
Đặc biệt, những người thợ Xuân Lai đã sáng tạo những "mành tranh" chỉ có hai sắc vàng và nâu đen khá nhã nhặn bằng kỹ thuật cạo tinh trên chất liệu tre hun. Họ đã thổi hồn cái dân dã, chất dân tộc của dòng tranh Đông Hồ vào tranh tre với những chủ đề như vinh hoa phú quý, tùng cúc trúc mai, tích kiểu, tố nữ, bát tiên... hay tạo nên những bức tranh mang nội dung hiện đại...
Giờ đây, các sản phẩm tre gia dụng hun khói của Xuân Lai đã có mặt ở các cửa hàng lớn tại Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh... và là xu hướng trang trí nội thất của nhiều công trình nghệ thuật. Tre hun Xuân Lai cũng là sản phẩm được khách hàng trên thế giới ưa chuộng như Nhật, Mỹ, Đài Loan hay thị trường các nước Châu Âu. Cái nét hoài cổ của tre hun Xuân Lai sẽ còn mãi là niềm đam mê của bạn bè khắp nơi trên thế giới.
II.Làng Nghề ,mây tre đan phú vinh
Nằm cách trung tâm Hà Nội 35 km theo hướng Tây Nam, làng nghề mây tre đan Phú Vinh, Phú Nghĩa, Chương Mỹ (Hà Nội), được biết đến như một trong những làng nghề truyền thống có tiếng.
Năm 2002, làng Phú Vinh chính thức được công nhận là làng nghề truyền thống nhưng nghề mây tre đan của Phú Vinh, với tên gọi cũ Phú Hoa Trang đã được biết đến gần 400 năm nay. Các nghệ nhân trong làng kể rằng, cách đây bốn trăm năm về trước, Phú Hoa Trang (tên cũ của Phú Vinh) xuất hiện ba ông chuyên làm các sản phẩm "lâm sản ngoài rừng" như rổ, rá, rế, làn... phục vụ cho nhu cầu của bà con chòm xóm. Theo thời gian, nghề dần lan rộng,"phủ sóng"cả thôn, rồi cả xã. Với truyền thống lâu đời, ở Phú Vinh nhà nào cũng có người làm nghề mây tre đan, từ thanh niên trai tráng, phụ nữ đến người già, trẻ nhỏ đều có thể tham gia vào một công đoạn nào đó của nghề. Cha truyền con nối, nên bao đời nay người Phú Vinh vẫn sống chết với nghề mây tre đan, người làm nghề, nghề cũng giúp cho nhiều gia đình trong làng đổi đời, sung túc. Trước đây, sản phẩm từ mây tre của người dân trong làng chủ yếu là thúng, mủng, dần, sàng, túi, hộp... các đồ dùng phục vụ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Nhưng, cuộc sống ngày càng phát triển, nhu cầu của người dân ngày một cao nên những sản phẩm mỹ nghệ từ mây tre đan như các đồ vật trang trí, chao đèn, rèm cửa, tranh chân dung, phong cảnh, hoành phi, câu đối cũng theo đó đã ra đời.
Kỹ thuật chế biến mây bao gồm 2 công đoạn: phơi sấy và chẻ mây. Mây và tre đều là loại cây có chất đường nên dễ bị mọt ăn, chính vì vậy khâu xử lý nguyên liệu cũng hết sức quan trọng. Mây tre mua về sau khi lựa chọn được đem đi sấy. Khi sấy, nhiều khói quá mây sẽ đỏ, ít khói quá cũng bị đỏ. Khi phơi, gặp mưa thì sợi mây mất vẻ đẹp, mà nắng quá thì sợi mây mất vẻ tươi. Sợi mây chưa khô tới thì nước da bị úa, mà khô kiệt quá thì nước da mất vẻ óng mềm. Do đó, phơi sấy mây đòi hỏi phải đúng kỹ thuật, không thể sao nhãng, phải liên tục săn sóc, theo dõi như chăn tằm vậy.
Sau đó, mây sẽ được đem ra chẻ thành các nan mỏng. Chẻ nan mây là một kỹ thuật khó, đòi hỏi người thợ có tay nghề cao. Tùy theo từng sản phẩm mà người thợ có cách chẻ nan riêng, sợi nan lúc thì chẻ thành từng ống tròn, lúc chẻ thành bẩy hoặc chín nan mỏng. Đối với kỹ thuật chẻ nhiều nan mỏng đều tay thì người thợ có nhiều kinh nghiệm mới làm được. Thân cây mây là thân tròn, phía bên trong lại có lõi nên chẻ không khéo sẽ bị lạng chỗ dầy, chỗ mỏng. Với cách chẻ lột, người thợ sẽ có cách lấy được cả phần cật và lõi của cây mây.
Sau công đoạn chẻ, các nan được đem chuốt để có những sợi mây mượt mà, phẳng bóng. Bàn chuốt được người làng nghề tự tạo nên hết sức đơn giản, chỉ bao gồm một tấm sắt tây, đục nhiều lỗ kích thước khác nhau được kẹp bằng bốn đoạn tre. Mây sau khi chuốt được phơi ngoài nắng cho thật khô, để nước trong sợi mây thoát hết ra ngoài. Nan mây chưa khô tới thì nước da bị úa, mà khô kiệt quá thì nước da mất vẻ óng mềm. Do đó, phơi sấy mây đòi hỏi phải đúng kỹ thuật, không thể sao nhãng và phải liên tục săn sóc.
Mây phơi khô lại tiếp tục được nhúng vào nước rồi đem đi sấy thêm một lần nữa để sợi mây có độ dẻo, tiếp tục cho vào sấy sẽ khiến sợi mây dẻo và mềm hơn. Để cho sản phẩm có độ đa dạng về màu sắc, người làng nghề Phú Vinh còn có bí quyết tạo màu riêng. Các nan mây sau khi chẻ, phơi khô, sấy sẽ được nhúng vào các chậu lá cây sòi băm nhỏ đã được nấu sôi. Sợi nan được nhúng vào nước khoảng 15-20 lần sau đó phơi trong nắng cho khô. Các nan nhúng nước sồi sẽ có màu vàng đều. Muốn màu đen óng ả, các nan mây được đem ngâm bùn ao từ ba đến năm ngày. Đây là cách tạo màu hoàn toàn tự nhiên, không hóa chất giúp cho sản phẩm mây tre đan của Phú Vinh luôn là những sản phẩm thân thiện với môi trường, không gây hại cho sức khỏe người sử dụng và có độ bền màu cao tới 30-40 năm.
Ngày nay, Phú Vinh có hơn 400 hộ làm nghề với gần một triệu lao động chiếm 90% số hộ trong làng. Người Phú Vinh không ngừng tìm tòi, sáng tạo đã liên tục đổi mới mẫu mã sản phẩm, đề cao chất lượng để giữ chữ tín với khách hàng. Từ các cách đan truyền thống là đan nong mốt, nong đôi, nong ba, với óc sáng tạo và bàn tay khéo léo, người làng mây tre Phú Vinh đã sáng tạo hàng trăm cách đan khác nhau như đan xương cá, kết hình hoa và kết hợp màu sắc, tạo hình hoa văn nổi, tạo ra nhiều mẫu mã sản phẩm tinh xảo, có tính thẩm mỹ cao.